Diễn biến Trận_Dinant

Sau khi các đơn vị đi đầu của Sư đoàn Thiết giáp 7 cùng Phân đoàn Tiên phong Werner áp sát thị trấn Dinant chiều ngày 12 tháng 5, phân đoàn Werner được trở lại biên chế Sư đoàn Thiết giáp 5.[10][11] Rommel dự định vượt sông Meuse càng sớm càng tốt nhằm truy diệt hai Sư đoàn Khinh kỵ 1 và 4 Pháp, nhưng quân Pháp đã kịp phá hủy các cầu ở Houx và Dinant. Điều này buộc Sư đoàn Thiết giáp 7 phải chuyển sang tổ chức vượt sông trên các thuyền cao su vào buổi sớm hôm sau. Nhưng tại khu vực Sư đoàn Thiết giáp 5, Werner được không quân trinh sát thông báo rằng một chiếc cầu tại Yvoir - cách Dinant 7 km về hướng bắc - vẫn còn nguyên vẹn. Lực lượng phòng thủ cầu này (gồm 1 trung đội của Trung đoàn Khinh chiến Ardennes và các toán công binh Bỉ dưới quyền Trung tá de Wispelaere cùng 1 tiểu đoàn bộ binh Pháp) được lệnh không phá cầu cho đến khi kỵ binh Pháp rút hết sang sông. Ngay lập tức, Werner hạ lệnh cho Trung tá Heinz Zobel đem 2 xe trinh sát bọc sắt và 1 trung đội thiết giáp đánh chiếm gấp ngọn cầu cuối cùng đó. Mặc dù người lính khinh kỵ Pháp cuối cùng đã đặt chân lên bờ tây khi Zobel tiếp cận Yvoir, công binh Bỉ không đả động gì đến chiếc cầu vì họ tin rằng quân Đức còn xa. Khoảng 17h25, được sự yểm trợ hỏa lực của 3 chiếc xe tăng sau lưng họ, 2 xe trinh sát của Zobel tiến công dọc theo con đường song song với bờ đông và chiếc xe đầu tiên tràn lên cầu. Trong cuộc chiến đấu diễn ra sau đó, Wispelaere thiệt mạng nhưng ông đã kịp phá nổ cầu và nhấn chìm chiếc xe trinh sát đi đầu của địch.[10]

Chưa bỏ cuộc, Đại tá Werner cử một vài toán bộ binh mô tô tiếp tục trinh sát dọc theo sông Meuse. Ở làng Houx cách Yvoir 3 km về phía nam, họ phát hiện ra một đập nước và một cửa cống nối liền một hòn đảo với cả hai bờ sông.[12] Binh lính Pháp-Bỉ không dám phá các công trình thủy công này vì họ sợ mực nước hạ xuống khiến quân Đức lội được qua sông.[13] Không những thế, lực lượng Pháp trấn thủ khu vực này (Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 39 Sư đoàn Bộ binh 18) lại bám trụ các vách đá đằng đằng sau sông thay vì tiến thẳng ra bờ sông theo lệnh thượng cấp. Sau khi đợi tới đêm, một tốp lính Đức tình nguyện vượt đập lên đảo và tiếp cận bờ bên kia thông qua một cầu bộ hành trên âu tàu. Chẳng bấy lâu sau 23h, họ trở thành những quân nhân Cụm Tập đoàn quân A đầu tiên đặt chân lên bờ tây sông Meuse. Tiếp theo đó, họ định thọc sâu hơn về phía tây nhưng bị hỏa lực của Đại đội 6 - Tiểu đoàn 2 Pháp chặn đứng. Werner điều thêm lính mô tô sang tiếp viện và Đại đội 3 - Tiểu đoàn Trinh sát 8 cùng một số lính của Tiểu đoàn 1 - Trung đoàn Súng trường 12 của ông đã lập được đầu cầu trên sông Meuse khi ngày 12 kết thúc. Quân Pháp duy trì thế bị động, không hề phản công vào đầu cầu non yếu này và điều đó để lại hậu quả tai hại cho họ vào hôm sau.[10][12]

Đại quân Đức vượt sông Meuse

Trong sương sớm ngày 13 tháng 5, 3 tiểu đoàn bộ binh của Sư đoàn Thiết giáp 5 (gồm Tiểu đoàn I Trung đoàn 14, Tiểu đoàn II Trung đoàn 14 cùng Tiểu đoàn I Trung đoàn 13) tràn qua đảo Houx theo một hàng duy nhất và hội với các đơn vị mô tô trên bờ tây. Từ trên các vách đá, quân Pháp tập trung súng máypháo binh bắn phá ác liệt, gây thương vong ghê gớm cho phe tấn công. Mặc dù vậy, bộ binh Đức diệt được các chốt của Tiểu đoàn 2 và thọc 4 km theo hướng tây trên khắp con đường tới Haut-le-Wastia. Tại bản làng vùng cao này, quân Đức bị chặn đánh quyết liệt đến mức họ mệnh danh Haut-le-Wastia là một "pháo đài núi". Do lính bộ Đức thiếu vũ khí hạng nặng trong khi quân Pháp được chi viện một số xe tăng, các đợt tấn công ban đầu của phía Đức không thu được thành công.[12][10]

Thiếu tướng Erwin Rommel chỉ huy Sư đoàn Thiết giáp 7 (Đức) đánh Pháp.

Cùng ngày hôm đó, Sư đoàn Thiết giáp 7 tổ chức vượt khúc sông rộng 110 m trên hai địa điểm. Theo kế hoạch của Rommel, Trung đoàn Súng trường 6 và Tiểu đoàn Súng trường Mô tô 7 đảm nhiệm mũi phụ công trên mạn nam đảo Houx, trong khi Trung đoàn Súng trường 7 dưới quyền Đại tá Georg von Bismarck đánh chủ công tại Leffe (phía bắc Dinant) cách đó 2.500 mét về hướng nam. Khoảng 4h30, đại đội tiên phong (Tiểu đoàn 2) của Bismarck đã sang được sông Meuse dưới sự bao phủ của sương sớm, nhưng sau đó phải trụ chặt vào bờ tây vì gặp hỏa lực mạnh.[14][10] Kể từ thời điểm này, các mũi vượt sông của quân Đức hoàn toàn bị kẹt cứng. Bên kia sông Meuse, các Sư đoàn Bộ binh Mô tô 5 và Bộ binh 18 (Pháp) cùng lính khinh chiến Bỉ bố trí hỏa lực súng trường, súng máy dày đặc trong những căn nhà ven sông và những boongke xây trên vách đá. Không những thế, pháo binh Pháp có lợi thế rất lớn do các đài quan sát tiền duyên của họ trên phế tích của lâu đài Bouvignes dễ dàng theo dõi toàn bộ trận địa vượt sông của Rommel. Chưa hết, Sư đoàn Thiết giáp 7 chỉ được trang bị 2 tiểu đoàn pháo hạng nhẹ và không thể mong đợi nhiều vào không quân do hầu hết chiến đấu cơ của Đức đều được tập trung trên mặt trận Sedan.[14][15][3] Trong báo cáo của mình sau trận đánh, Rommel ghi nhận:[16]

Ở Dinant tôi thấy… đạn trái phá của quân Pháp trút xuống thị trấn từ hướng tây sông Meuse, và nhiều xe tăng bị cháy rụi trên những con đường dẫn tới sông… Tình hình không mấy tốt đẹp khi tôi ra chiến địa. Các thuyền của quân ta lần lượt bị hỏa lực lướt sườn của Pháp bắn hạ, và cuộc vượt sông cuối cùng đã bị chùn lại. Bộ binh địch nấp kín đến mức chúng tôi tìm mãi bằng ống nhòm vẫn không ra.
— Erwin Rommel

Do khủng hoảng nối tiếp nhau xảy ra trên mặt trận của Sư đoàn Thiết giáp 7, Rommel liên tục chạy qua chạy lại giữa hai điểm vượt sông của mình trong cả ngày 13.[14] Thoạt tiên, ông ta hạ lệnh đốt cháy các ngôi nhà ven sông nhằm tạo một bức màn khói chắn tầm nhìn địch và hạn chế tổn thất của quân Đức.[4] Kế đến, ông huy động các đơn vị Panzer III, IV và một khẩu đội pháo ra rìa sông để tập trung bắn chế áp mọi vị trí địch có thể trú ẩn[10][16], đồng thời chi viện thêm một số thuyền nhựa cho cán binh sư đoàn. Tuy vậy, thế bế tắc chưa thể được khai thông do quân Pháp vẫn kiên quyết kháng cự trong khi hầu hết cán bộ Đức còn hoang mang trước thương vong lớn của binh lính. Phải đến khi Rommel điều thêm xe tăng và đại bác khống chế hỏa lực địch, các hoạt động vượt sông được hồi phục và đạt kết quả tốt. Khi một trung đội xe tăng Pháp phản kích vào đầu cầu chật hẹp của Trung đoàn Súng trường 7, Rommel vượt sông và trực tiếp nắm quyền chỉ huy Tiểu đoàn 2.[14][4] Do đại đội tiên phong của tiểu đoàn không có vũ khí phòng tăng, ông hạ lệnh cho họ xả súng trường vào đoàn xe tăng Pháp. Động thái tự tin này buộc quân Pháp bỏ chạy về hướng tây bắc Leffe vì họ tưởng lực lượng địch trên bờ tây mạnh hơn thực tế.[16][17]

Suốt cả chiều hôm ấy, Rommel đôn đốc và tham gia cùng công binh xây phà chở xe tăng, háp-trắc và pháo binh sang sông dưới làn đạn của pháo binh Pháp-Bỉ. Kết quả trận đánh là quân Đức lập được hai đầu cầu – đó là đầu cầu phía bắc của Trung đoàn Súng trường 6 cùng Sư đoàn Thiết giáp 5 và đầu cầu Dinant của Trung đoàn Súng trường 7. Vào buổi tối ngày 13, công binh Sư đoàn Thiết giáp 7 khẩn trương xây cầu phao giữa Leffe và Bouvgnes trên mạn bắc Dinant để làm đường tiếp tế chính cho Quân đoàn Thiết giáp XV. Đến 8h sáng hôm sau, 30 xe tăng thuộc Trung đoàn Thiết giáp 25 của Đại tá Karl Rothenburg đã được phà vận chuyển sang bờ tây.[15][14][18]

Các nỗ lực phản công của Pháp

Trong các trận đánh ở Houx và Dinant ngày 13 tháng 5, quân Đức gặp nhiều trở ngại do họ ban đầu phải tấn công mà không có xe tăng và vũ khí hạng nặng yểm hộ. Trái lại, Corap nắm giữ một lực lượng cơ động dồi dào (gồm các Sư đoàn Khinh kỵ 1, 4; Sư đoàn Bộ binh 18 và Sư đoàn Bộ binh Mô tô 5) trong tay. Thêm vào đó, Tiểu đoàn Tăng 66 vừa được điều đến khu vực lân cận. Tuy vậy, cũng như ở Sedan, những thiếu sót lớn trong cơ cấu chỉ huy quân đội Pháp đã ngăn cản họ khai thác lợi thế của mình.[19] Dù bộ binh Sư đoàn Thiết giáp 5 (Đức) đã sang sông ở Houx trước nửa đêm ngày 12, phải đến 5h sáng hôm sau Tư lệnh Quân đoàn XI (Pháp) Martin mới nhận được hung tin, và phải đến chiều ngày 13 thì Martin mới báo cáo lên Corap. Không một ai trong bộ Tư lệnh cấp cao Pháp bị ấn tượng bởi thông tin này, và Đại tướng Tư lệnh Mặt trận Tây Nam Alphonse-Joseph Georges chỉ đánh giá rằng "một tiểu đoàn đã gặp rắc rối ở Houx".[10]

Trong trận đánh then chốt ngày 13 tháng 5, Sư đoàn 18 (Pháp) không tung một đòn phản kích lớn nào vào các mũi tiến công của địch. Ban chỉ huy Sư đoàn lại chẳng hề báo cáo cho Martin về việc quân Đức tấn công từ lúc 4h sáng và lập hai đầu cầu trên bờ tây sông Meuse. Martin chỉ được biết tình hình này khi ông ta thị sát sở chỉ huy Sư đoàn 18 vào buổi trưa. Sau đó, Martin lệnh cho Đại tá Dugenet đem Trung đoàn Bộ binh 39, Tiểu đoàn Tăng 6 và một số xe bọc thép kỵ binh phản kích vào Trung đoàn Súng trường 6 (Đức) trong rừng Surinvaux lúc 20h. Thấy quân mình không thể đáp ứng giờ khởi sự này, viên đại tá xin thượng cấp cho hoãn lại 1 tiếng. Đến sát 21h, Dugenet lại điện cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn XI và báo rằng bộ binh chưa sẵn sàng xuất kích. Martin đành để 35 chiếc Renault R35 của Tiểu đoàn Tăng 66 và các xe bọc thép thuộc Sư đoàn Khinh kỵ binh 1 đơn độc phản công. Các chiến xa Pháp tràn vào Surinvaux và bắt sống 7 lính mô tô Đức, nhưng không thấy một lực lượng đáng kể nào của địch. Do khuya xuống và bộ binh vẫn chưa tiếp sức, đoàn thiết xa phải rút lui hoàn toàn về hậu cứ.[10][19][20]

Các nỗ lực của Quân đoàn II (Pháp) dưới quyền tướng Boucher cũng không khấm khá gì hơn. Trong đội hình quân đoàn này, Sư đoàn Bộ binh Mô tô 5 (trấn giữ quãng sông Meuse từ Houx lên mạn bắc) là một đơn vị tinh nhuệ của quân lực Pháp. Ngay từ 2h sáng ngày 13 tháng 5, Boucher đã được tin về việc quân Đức vượt sông trên địa bàn của Tiểu đoàn 2 Sư đoàn 18. Tuy nhiên, phải đến 7h30 thì ông mới ra lệnh cho một số toán trinh sát bắt lại liên lạc với Sư 18. Và chỉ đến lúc này, ông mới hay tin quân Đức đã mở rộng đầu cầu sang khu vực của Quân đoàn II. Vào lúc 11h, Boucher phát lệnh cho Tiểu đoàn 2 Trung đoàn Bộ binh 129 tổ chức phản công. Giờ xuất phát theo dự định của Boucher là 14h, nhưng một tiếng sau đó Tiểu đoàn 2 mới tiến công. Trên đường hành tiến, tiểu đoàn bị các oanh tạc cơ Junkers Ju 87 đột kích và cuống cuồng tháo chạy về phòng tuyến.[10][19]

Trước sự hối thúc của các thượng cấp, Bộ Tư lệnh Quân đoàn II quyết định tung một đòn phản công quy mô lớn. Nhiệm vụ này được giao cho Tiểu đoàn 2 Trung đoàn Bộ binh 129, tiểu đoàn trinh sát, một khối bộ binh thuộc Sư đoàn Khinh kỵ 4 và một đại đội tăng Hotchkiss gồm 39 chiếc. Theo kế hoạch của Boucher, đoàn quân này sẽ xuất hành lúc 20h15 và đánh theo nhiều hướng vào mũi nhọn của Sư Thiết giáp 5 (Đức) ở Haux-le-Wastia. Thế nhưng, do bộ binh di chuyển lề mề, Boucher lại phải hoãn tấn công đến 22h. Song, do các chỉ huy pháo binh Pháp từ chối tác chiến trong đêm khuya, Boucher bèn dời cuộc phản kích sang sáng hôm sau.[10]

Quân Đức phát triển đầu cầu

Bước sang ngày 14 tháng 5, Quân đoàn Thiết giáp XV Đức đề ra mục tiêu hợp nhất hai đầu cầu và mở rộng chúng sang hướng tây sao cho các điểm vượt sông không còn trong tầm pháo Pháp.[21] Không cần chờ sư đoàn mình đưa đủ quân sang sông, Rommel sai Bismarck đem số bộ binh sẵn có đánh chiếm thị trấn Onhaye, cách Dinant 5 km về hướng tây, ngay từ rạng sáng. Khi tiếp cận Onhaye, quân Đức gặp phải sự kháng cự của một lực lượng hùng hậu thuộc Sư đoàn Khinh kỵ binh 1 Pháp. Sau 8h, Rommel trực tiếp dẫn 30 xe tăng của Trung đoàn Thiết giáp 25 đến trợ chiến. Do chưa trinh sát mà đã tấn công, đoàn chiến xa chịu nhiều tổn thất trước hỏa lực của pháo binh và pháo phòng tăng Pháp từ hai bên sườn. Cả xe chỉ huy - truyền tin của Rommel lẫn xe tăng của Rothenburg bị hư hại và hai ông đều bị thương nhẹ. Dù vậy, quân Đức đã quét sạch kỵ binh Pháp khỏi Onhaye sau một trận kịch chiến. Phát huy thắng lợi, Sư đoàn Thiết giáp 7 thọc sâu tới Morville - cách sông Meuse 14 km về phía tây - và đánh thủng tuyến phòng thủ thứ hai (mà cũng là cuối cùng) của địch.[10][20]

Cùng ngày hôm ấy, Sư đoàn Thiết giáp 5 (Đức) cuối cùng đã diệt được các chốt phòng ngự của Pháp ở Haux-le-Wastia. Mặc dù họ để mất thị trấn trong một cuộc phản kích của Sư đoàn Mô tô 5 (Pháp), quân Đức sau cùng cũng bẻ gãy đòn tấn công này và thọc 6.000 m xuống phía nam để chiếm Sommière. Bằng cuộc hành quân nay, Sư đoàn Thiết giáp 5 đã đánh thủng đoạn phòng tuyến sông Meuse đối điện với họ.[10][21]

Liên quan